Cạnh tranh lành mạnh là trọng tài công bằng để chọn những nhà kinh doanh có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để tồn tại, kinh doanh hiệu quả, là cơ sở khẳng định vị trí nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Nêu quan điểm về “Muôn hình vạn trạng” của câu chuyện bình cũ rượu mới trong “cạnh trạnh không lành mạnh”, Luật sư Đặng Kim Ngân Hà - đại diện của Công ty Universal Network Connection (UNC) cho hay: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được biết dưới dạng các đối thủ cạnh tranh vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà thực hiện các hành vi vi phạm chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, cụ thể như: mướn người đóng giả làm khách hàng để thu thập thông tin và tung tin thất thiệt tại doanh nghiệp khác, liên hệ với khách hàng hiện tại và tiềm năng tương lai, xúi giục, lôi kéo, khích động khách hàng phá vỡ hợp đồng, khiến tâm lý khách hàng chao đảo với mục đích nhằm thu hút được sự chấp nhận và lòng trung thành khách hàng của doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm cố vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài và nhà nước qua nhiều năm, tôi nhận thấy rằng việc thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh không phải lúc nào cũng vì mục tiêu lợi nhuận, mà còn liên quan đến vấn đề ''đạo đức kinh doanh'' và ''đạo đức nghề nghiệp'', ví dụ điển hình như: Công ty đối tác từng là đại lý hoặc khách hàng của doanh nghiệp, trong quá trình hợp tác nhiều năm, họ hiểu rõ những nhân viên tài năng đóng góp thúc đẩy gầy dựng nên sự thành công thương hiệu của doanh nghiệp, sau đó họ sử dụng các thủ đoạn lôi kéo trả lương cao để ''cướp'' những nhân viên uy tín, sắc xảo của công ty đối thủ, đồng thời yêu cầu các nhân viên này khích động các thành viên khác, tạo nên sự mâu thuẫn nội bộ và nói xấu doanh nghiệp tới khách hàng để khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp lao đao trước khi nghỉ việc. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không chỉ vi phạm pháp luật, cụ thể: Khoản 7 Điều 45 luật Cạnh tranh 2018: “Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác” theo tiêu chí xác định tại Khoản 6 Điều 3 của luật này “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”, đồng thời tại Điều 10 bis của Công ước Paris năm 1883 đã có quy định tương tự như pháp luật Việt Nam: “Tạo thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh mọi hành vi đi ngược lại các tập quán trung thực trong lĩnh vực công nghiệp hoặc thương mại”. Câu chuyện này là chiêu bài ''tuy cũ nhưng rất hiểm độc'', gây điêu đứng cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài lẫn nhà nước, hành vi này được xem xét là không những đã vi phạm pháp luật mà còn thiếu cả đạo đức kinh doanh là “không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”, cạnh tranh để vượt lên nhưng không có nghĩa là vùi dập đối thủ.
Nếu xét về yếu tố đạo đức nghề nghiệp, cái tâm của người lao động khi nhận được sự đãi ngộ và được đào tạo bài bản từ thuở chân ướt, chân ráo mới ra trường, xin đi làm thuê tại các doanh nghiệp nước ngoài và nhà nước để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy quan hệ và ăn cắp, bắt chước mô hình kinh doanh tại nơi mình đã từng gắn bó, việc nhân viên cũ bị đối thủ cạnh tranh, đối tác cũ lôi kéo hoặc tự thành lập công ty riêng không có gì để phản đối nếu như họ không lợi dụng các nguồn lực của công ty cũ để trục lợi cá nhân và xâm phạm, tấn công quyền lợi của công ty cũ, liệu có phù hợp đạo đức xã hội Việt Nam ''giấy rách phải giữ lấy lề''?
Nếu xét về tổng thể, tính chất tiêu cực của các hành vi '''muôn hình vạn trạng cạnh tranh không lành mạnh'' đã tấn công, thương hiệu doanh nghiệp sẽ mất đi ảnh hưởng toàn diện và nhất quán lên người tiêu dùng, không còn đem đến những giá trị tâm lý tinh thần mà khách hàng mong muốn, cũng như khiến nhận thức của người tiêu dùng bị nhiễu loạn. Suy cho cùng, thiếu đạo đức kinh doanh và lương tâm nghề nghiệp bị lãng quên dẫn tới muôn kiểu cạnh tranh không lành mạnh và cũng là kẻ thù của doanh nghiệp chân chính, hậu quả nhãn tiền là các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải gánh chịu thiệt hại là vô hình và khó định giá được, nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiêm minh của pháp luật.